- Tỷ lệ hưởng lương hưu của lao động nam tối thiểu 40%
-
31/07/2024
Từ ngày 1/7/2025, nam lao động đủ tuổi nghỉ hưu và có 15 năm đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) sẽ được hưởng lương hưu ở mức 40%, tăng 6,25% so với đề xuất trước đó.
Tại buổi họp báo ngày 30/7, ông Nguyễn Duy Cường - Phó Vụ trưởng Bảo hiểm xã hội đã giải thích về cách tính tỷ lệ lương hưu cho nam lao động tham gia BHXH từ 15 năm đến dưới 20 năm.
Theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi, nam lao động đủ tuổi nghỉ hưu và có 15 năm đóng BHXH sẽ nhận mức lương hưu bằng 40% trung bình tiền lương tháng đã đóng. Từ 16 đến 20 năm đóng BHXH, mỗi năm sẽ được tính thêm 1%. Sau 20 năm, tỷ lệ hưởng lương hưu sẽ là 45%, và mỗi năm tiếp theo sẽ được tính thêm 2% cho đến khi đạt tối đa 75%.
Đối với lao động nữ, nếu đủ tuổi nghỉ hưu và có 15 năm đóng BHXH, mức hưởng sẽ là 45% trung bình tiền lương tháng đã đóng. Mỗi năm sau đó, mức hưởng sẽ được tăng thêm 2% cho đến khi đạt tỷ lệ tối đa là 75%.
Ông Cường cho hay, tỷ lệ hưởng lương hưu bình quân với mỗi năm tham gia BHXH của các nước trên thế giới khoảng 1,7%; Trung Quốc, Hàn Quốc khoảng 1%. Riêng Việt Nam, tỷ lệ này theo luật hiện hành là 2,14% với nam và 2,5% với nữ. Luật sửa đổi kế thừa, không thay đổi công thức tính lương hưu chung, song bổ sung cách tính tỷ lệ hưởng với lao động nam tham gia BHXH từ đủ 15 năm đến dưới 20 năm.
"Do Luật sửa đổi giảm năm đóng BHXH từ 20 xuống 15 nhưng luật hiện hành không có quy định tính tỷ lệ hưởng lương hưu với nhóm này nên Ban soạn thảo đã bổ sung", ông Cường thông tin thêm và cho biết, cách điều chỉnh nhằm tiếp thu góp ý của đại biểu Quốc hội, đánh giá kỹ tác động lẫn khả năng cân đối của Quỹ Hưu trí tử tuất.
Tỷ lệ hưởng sau khi được thông qua đã có sự thay đổi, đảm bảo quyền lợi lương hưu tốt hơn cho lao động nam so với bản dự thảo ban đầu. Mức hưởng theo đề xuất ban đầu của nhóm này được tính 2,25% mỗi năm, đóng đủ 15 năm hưởng 33,75% "là rất thấp".
Như vậy, cùng đóng 15 năm BHXH nhưng lao động nam hưởng 40% trong khi nữ là 45%. Tỷ lệ tích lũy lương hưu của nam giới từ năm 15 đến dưới 20 năm đóng là 1% trong khi nữ là 2%. Từ năm thứ 20 trở đi, tỷ lệ hưởng lương hưu của hai giới đồng đều 2%. Để hưởng lương hưu tối đa 75%, lao động nữ cần đóng bảo hiểm 30 năm và nam 35 năm. Người về hưu trước tuổi mỗi năm trừ tỷ lệ hưởng 2%, từ đủ 6 đến dưới 12 tháng trừ 1%, dưới 6 tháng không bị trừ.
Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi đã được Quốc hội thông qua ngày 29/6, có hiệu lực từ ngày 1/7/2025.
Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi, có hiệu lực từ năm 2024, đã đưa ra nhiều điểm mới quan trọng nhằm cải thiện hệ thống bảo hiểm xã hội tại Việt Nam.
Một trong những điểm nổi bật là việc mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội, bao gồm cả người lao động tự do và các nhóm đối tượng không thuộc khu vực chính thức.
Luật cũng điều chỉnh các chính sách về mức đóng và hưởng chế độ bảo hiểm, với việc tăng cường quyền lợi cho người lao động, đặc biệt là trong các lĩnh vực nghỉ hưu và trợ cấp ốm đau. Cụ thể, quy định chế độ trợ cấp hằng tháng cho thời gian trước khi đủ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội; người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện được hưởng trợ cấp thai sản; quy định cụ thể về “mức tham chiếu” thay cho “mức lương cơ sở”; đơn giản hóa thủ tục hành chính về bảo hiểm xã hội, giao dịch điện tử trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội...
Bên cạnh đó, luật mới còn bổ sung quy định về việc quản lý quỹ bảo hiểm xã hội và thực hiện các biện pháp nhằm giảm tình trạng nợ đọng, bảo đảm quyền lợi của người tham gia. Những thay đổi này nhằm nâng cao tính bao phủ và hiệu quả của hệ thống bảo hiểm xã hội, đồng thời bảo vệ tốt hơn quyền lợi của người lao động.
Tin tức liên quan
31/07/2024
30/07/2024
29/07/2024
29/07/2024
29/07/2024